Đang xử lý.....

KHOA NGỮ VĂN

I. ĐỊA CHỈ LIÊN HỆ

Khoa Ngữ văn -Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên

Toà nhà A4, Số 20 Đường Lương Ngọc Quyến, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Điện thoại: 02083.856.885

E-mail: khoavan@dhsptn.edu.vn

Website: khoavan.dhsptn.edu.vn

 

II. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA ĐƠN VỊ

   Mùa thu năm 1966, Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc đã ra đời dưới tán lá của rừng xanh đại ngàn thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Lúc bấy giờ, đất nước ta đang bị chia cắt, miền Bắc vừa hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất xây dựng chủ nghĩa xã hội, đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân… Trong hoàn cảnh đầy cam go và thử thách ấy, sự ra đời của một trường Đại học Sư phạm tại vùng chiến khu xưa có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sự nghiệp giáo dục – đào tạo cũng như công cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Từ đó đến nay, trong suốt chặng đường phát triển của nhà trường, Khoa Ngữ văn luôn là một trong những khoa lớn, giữ vai trò quan trọng trong hệ thống đào tạo của Trường.

    Do cuộc chiến tranh ngày càng ác liệt, Trường Đại học Sư phạm nói chung và Khoa Ngữ văn nói riêng phải di dời đến nhiều nơi. Từ 1966 – 1969, Khoa phải chuyển vào khu rừng sâu thuộc huyện Đại Từ. Tới năm 1970, khi Trường bắt đầu tuyển sinh khóa V, Khoa lại dời về khu Mỏ Bạch, thành phố Thái Nguyên. Trong suốt khoảng thời gian đó, vượt lên trên những thiếu thốn, gian khó, Khoa Ngữ văn vẫn nỗ lực triển khai tốt các hoạt động chuyên môn. Nhờ sự cố gắng vượt bậc về mọi mặt, công tác giáo dục - đào tạo của đơn vị không ngừng được nâng cao.

     Trên chặng đường gần 50 năm xây dựng và trưởng thành, tập thể cán bộ giảng viên khoa Ngữ văn luôn phấn đấu hết mình vì sự nghiệp giáo dục của đất nước. Tên tuổi của các thầy, cô giáo như: Hoàng Nhân, Cù Đình Tú, Vũ Châu Quán, Vi Hồng, Đoàn Hồng, Lê Văn Trúc, Phan Thanh Lương, Vi Quốc Bảng, Nguyễn Văn Chính, Lương Duy Thứ, Nguyễn Văn Túc, Hoàng Văn Xuân, Hà Ngọc Xuân, Vũ Minh Tâm, Ngô Ngọc Châu, Đỗ Ngoạn, Hoàng Hựu, Hoàng An, Lâm Đình Tiến, Lương Đức Bèn, Nguyễn Minh Thuyết, Vũ Nho, Lộc Phương Thủy, Nguyễn Huy Quát, Nguyễn Văn Lộc, Vũ Anh Tuấn, Trần Thế Phiệt, Hoàng Hữu Bội, Hoàng Văn Long, Nguyễn Long, Đào Thị Thái Ninh, Trần Thị Việt Trung, Nguyễn Thị Vượng, Nguyễn Hằng Phương, Phạm Mạnh Hùng… mãi là những tấm gương sáng về đạo đức và sáng tạo.

     Nhiều thế hệ sinh viên đã trưởng thành từ “chiếc nôi” Ngữ văn để trở thành những nhà giáo, những nhà nghiên cứu có nhiều đóng góp cho nghề nghiệp, trong đó có rất nhiều người đã và đang giữ các trọng trách trong và ngoài ngành Giáo dục như: GS.TS Lộc Phương Thuỷ, cựu sinh viên khoá 1 - Thư ký Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước; PGS.TS.NGƯT -  Nguyễn Văn Lộc - nguyên Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, cựu sinh viên khoá 3; PGS.TS. NGƯT Trần Thị Việt Trung - Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên, cựu sinh viên khoá 8; PGS.TS. NGƯT Phạm Mạnh Hùng - Thứ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cựu sinh viên khoá 11;  Đ/c Nguyễn Thanh Tùng - Đại biểu Quốc hội khóa XIII, cựu sinh viên khóa 12; PGS.TS. NGƯT Phạm Hồng Quang - Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, cựu sinh viên khoá 20; Đ/c Đồng Mạnh Hùng - Giám đốc kênh truyền hình VOV - Đài Tiếng nói Việt Nam, cựu sinh viên khóa 21… Nhiều vị Hiệu trưởng các trường Đại học & Cao đẳng Sư phạm, Giám đốc (hoặc nguyên Giám đốc) các Sở - Ban - Ngành các tỉnh: Thái Nguyên, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hòa Bình... đã từng là sinh viên được đào tạo từ khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên.

    Trải qua chặng đường lịch sử hơn 50 năm, Khoa Ngữ văn đã và đang ngày một lớn mạnh không ngừng, đóng góp công sức cho sự nghiệp phát triển văn hóa - giáo dục của khu vực và đất nước. Trong những năm qua, Khoa đã đào tạo nên một đội ngũ nhà giáo, nhà quản lý giáo dục, cán bộ khoa học tâm huyết, giàu năng lực chuyên môn và năng lực thực tiễn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Với những nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ giảng viên, sinh viên khoa Ngữ văn trong suốt chặng đường 50 năm xây dựng và trưởng thành, đơn vị đã vinh dự nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành trao tặng như:

- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2008

- Bằng khen của Bộ Giáo dục và đào tạo các năm 1974 - 1979, 2000 - 2001, 2003 - 2004, 2006 - 2007.

- Bằng khen của BCH Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam năm học 2000 - 2001.

- Bằng khen của Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam các năm 1993 - 1994, 1994 – 1995.

- Bằng khen của BCH TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Chi Đoàn Cán bộ giảng dạy, Liên chi đoàn các năm 1984 - 1985, 1998 - 1999, 2000 - 2001, 2003 - 2004, 2007 – 2008.

- Bằng khen của BCH TW Hội sinh viên Việt Nam tặng Liên chi hội Khoa Ngữ văn các năm 2003 - 2004, 2004 - 2005, 2009 - 2010.

 

III. CHỨC NĂNG - NHIỆM VỤ

a) Xây dựng chương trình, phát triển chương trình đào tạo trình độ đại học và sau đại học đối với các chuyên ngành đào tạo thuộc ngành Ngữ Văn;

b) Quản lý, tổ chức đào tạo trình độ đại học chương trình sư phạm Ngữ Văn;

c) Quản lý, tổ chức đào tạo các chương trình đào tạo sau đại học thuộc ngành Ngữ Văn;

d) Quản lý, tổ chức đào tạo chương trình đào tạo tiếng Việt dành cho người nước ngoài;

đ) Phối hợp với Phòng Đào tạo xây dựng đề án mở mã ngành đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ngành Ngữ Văn;

e) Phối hợp với các Khoa Lịch sử, Địa lý thực hiện và phát triển chương trình đào tạo liên thông theo nhóm ngành, phát triển chương trình dạy học tích hợp khoa học xã hội;

g) Phối hợp với các khoa Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Mầm non tổ chức, quản lý và phát triển chương trình dạy học các môn học thuộc ngành Ngữ Văn;

h) Tham gia bồi dưỡng giáo viên phổ thông ngành Ngữ Văn;

i) Phối hợp với Phòng Khoa học - Công nghệ và Hợp tác Quốc tế, Viện Nghiên cứu Xã hội và Nhân văn Miền núi tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực Ngữ Văn; bồi dưỡng năng lực nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cho giảng viên, sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh;

 k) Phối hợp với Phòng Hành chính - Tổ chức làm tốt công tác quản lý, quy hoạch, kế hoạch, xây dựng phát triển đội ngũ cán bộ giảng dạy ngành Ngữ Văn;

l) Phối hợp với Phòng Công tác Học sinh sinh viên và Phòng Đào tạo, Ban Quản lý Ký túc xá, chính quyền địa phương quản lý người học;

m) Phối hợp với Phòng Khoa học - Công nghệ và Hợp tác Quốc tế, Ban Quản lý Ký túc xá quản lý lưu học sinh nước ngoài sang học tập tại Trường;

n) Phối hợp với Phòng Thanh tra - Pháp chế, Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục thực hiện tốt các hoạt động kiểm tra, giám sát chuyên môn, thi, đảm bảo chất lượng đào tạo  ngành Ngữ Văn;

o) Phối hợp với các Phòng chức năng, Trung tâm, các Ban thực hiện các nhiệm vụ quản lý tài sản công của Trường và các hoạt động phục vụ người học;

p) Thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác do Hiệu trưởng phân công.

 

IV. THÔNG TIN VỀ CÁC LĨNH VỰC ĐÀO TẠO VÀ NGHIÊN CỨU

1. Chuyên ngành đào tạo, trình độ

1.1. Trình độ Đại học

- Đào tạo giáo viên Ngữ văn cho các trường THPT (Hệ chính quy tập trung 4 năm - Chương trình: Cử nhân Sư phạm Ngữ văn). 

- Đào tạo cán bộ tạo nguồn cho các trường Cao đẳng, Đại học, các Viện nghiên cứu và các lĩnh vực nghề nghiệp liên quan đến khoa học xã hội - nhân văn (Hệ chính quy tập trung 4 năm - Chương trình: Cử nhân Sư phạm Ngữ văn Chất lượng cao).

- Đào tạo nâng chuẩn trình độ Đại học ngành Ngữ văn cho giáo viên Trung học cơ sở theo hình thức VLVH. Khoa đã và đang hợp tác đào tạo với các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Thái Nguyên, Bắc Giang, Thái Bình, Hòa Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh...

- Đào tạo cử nhân Tiếng Việt cho sinh viên nước ngoài. Hợp tác, liên kết đào tạo quốc tế: Trung Quốc (Đại học Hồng Hà, Học viện Ngoại ngữ Đông Phương, Học viện Kỹ thuật nghề nghiệp Quảng Tây...), Nhật Bản ( Đại học Ryu Kyus), Hoa Kì (Đại học Hawaii, Đại học S. John), Lào, Campuchia, Đài Loan... Có khoảng hơn 1000 sinh viên nước ngoài đã và đang học tập tại khoa Ngữ văn.

1.2. Trình độ Sau Đại học

* Đào tạo Thạc sĩ

-  Chuyên ngành: Văn học Việt Nam

-  Chuyên ngành: Ngôn ngữ học

-  Chuyên ngành: Lý luận và Phương pháp dạy học Văn - Tiếng Việt

* Đào tạo Tiến sĩ

- Chuyên ngành: Văn học Việt Nam

- Chuyên ngành: Ngôn ngữ Việt Nam

2. Lĩnh vực nghiên cứu chính

+ Hán Nôm

+ Lí luận văn học

+ Văn học dân gian

+ Văn học Việt Nam

+ Văn học nước ngoài

+ Văn hóa học

+ Ngôn ngữ học

+ Nghiên cứu đổi mới nội dung và phương pháp dạy học Văn - Tiếng Việt.

 

V. KẾT QUẢ ĐÀO TẠO VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

1. Kết quả đào tạo

1.1. Đại học

Đại học chính quy:

- Số lượng khóa sinh viên đã và đang đào tạo: 52 khóa (7.775 sinh viên)

- Số lượng khóa sinh viên đã tốt nghiệp Đại học: 49 khóa (5.609 sinh viên)

- Từ năm học 2012 - 2013 Khoa bắt đầu đào tạo chương trình Cử nhân Sư phạm Ngữ văn Chất lượng cao nhằm phát hiện và đào tạo những sinh viên giỏi thông qua việc ưu tiên đầu tư điều kiện giảng dạy, học tập tốt; đội ngũ giảng viên giỏi và áp dụng các phương pháp dạy học hiện đại để đạt chuẩn chất lượng của các Đại học tiên tiến trong khu vực. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, người học có khả năng trở thành giảng viên các trường Đại học, Cao đẳng, giáo viên các trường THPT Chuyên; có thể tham dự các chương trình đào tạo Sau đại học hoặc chuyển vị trí làm việc ở một số lĩnh vực nghề nghiệp khác (các công tác xã hội, các viện nghiên cứu, các cơ quan truyền thông, văn hóa...).

* Đại học không chính quy:

    Khoa Ngữ văn đã và đang đào tạo nâng chuẩn trình độ Đại học theo hình thức vừa làm vừa học cho giáo viên Trung học cơ sở. Cho đến nay, Khoa đã đào tạo được 4.384 học viên hệ không chính quy.

1.2. Sau Đại học

   Từ 1999 đến nay, Khoa đã hợp tác đào tạo Sau Đại học với nhiều đơn vị như: Viện Văn học, Viện Ngôn ngữ, Viện Từ điển và Bách khoa thư Việt Nam, Viện Văn hóa, Viện Nghiên cứu XHNV Miền núi - ĐHTN, Trường ĐHSP Hà Nội, Trường ĐH KHXH & NV - ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Trường ĐH Khoa học - ĐHTN…

    Năm 1999, khoa Ngữ văn bắt đầu tuyển sinh hệ đào tạo Thạc sĩ với hai chuyên ngành: Văn học Việt Nam và Lí luận & Phương pháp dạy học Văn - Tiếng Việt. Năm 2006, khoa mở thêm chuyên ngành Ngôn ngữ. Cho đến nay, Khoa đã và đang đào tạo được 25 khoá Thạc sĩ ở 3 chuyên ngành:  Văn học Việt Nam, Lí luận và Phương pháp dạy học Văn – Tiếng Việt, Ngôn ngữ học, với tổng số học viên hơn gần một người, trong đó có hơn 600 học viên đã tốt nghiệp.

     Từ năm 2007, khoa Ngữ văn bắt đầu đào tạo trình độ Tiến sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam. Cho đến nay, Khoa đã có 9 NCS bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ cấp Đại học và 13 NCS đang trong quá trình viết luận án. Khoa Ngữ văn bắt đầu tuyển sinh đào tạo Tiến sĩ chuyên ngành Ngôn ngữ Việt Nam từ năm 2013.

2. Kết quả nghiên cứu khoa học

2.1. Hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên

    Trong gần 50 năm qua, tập thể cán bộ giảng viên Khoa Ngữ văn luôn tiến hành song song hai hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Chỉ tính riêng từ 2001 đến nay, khoa đã có hơn 100 đầu sách được xuất bản, 35 đề tài cấp Nhà nước và cấp Bộ , 20 đề tài cấp cơ sở được hoàn thành. Hiện nay có 10 đề tài cấp Bộ và 11 đề tài cấp Đại học Thái nguyên đang được triển khai thực hiện. Mỗi năm có khoảng 50 bài báo khoa học của cán bộ giảng viên trong khoa được đăng tải trên các tạp chí khoa học chuyên ngành.

2.2. Hoạt động nghiên cứu khoa học của  sinh viên

    Công tác nghiên cứu khoa học của sinh viên là một hoạt động chuyên môn được các thầy cô giáo trong khoa đặc biệt quan tâm. Từ năm 2001 đến nay, sinh viên khoa Ngữ văn đã thực hiện được 644 khóa luận tốt nghiệp và 656 đề tài NCKH, trong đó có nhiều đề tài đạt giải “Sinh viên NCKH toàn quốc”: 2 giải Nhất, 3 giải Nhì và nhiều giải Ba, giải Khuyến khích. Thành tích ấy đã góp phần đưa nhà trường vào tốp những trường đứng đầu về chất lượng sinh viên nghiên cứu khoa học.

VI. VỊ TRÍ VÀ KHẢ NĂNG CÔNG TÁC CỦA SINH VIÊN SAU KHI TỐT NGHIỆP

• Chương trình Sư phạm Ngữ Văn chất lượng cao

a. Giảng dạy Ngữ văn tại các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp

b. Giảng dạy Ngữ văn tại các trường phổ thông

c. Làm công tác nghiên cứu tại các viện, các trung tâm nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn

d. Cán bộ quản lí chuyên môn tại các sở, phòng Giáo dục và Đào tạo

• Chương trình Sư phạm Ngữ văn

a. Giảng dạy môn Ngữ văn tại các cơ sở đào tạo, chủ yếu là bậc Trung học phổ thông

b. Làm công tác nghiên cứu tại các viện, các trung tâm nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn

c. Làm việc trong các cơ quan thông tin, truyền thông, các cơ quan đoàn thể xã hội khác

d. Cán bộ quản lí chuyên môn tại các sở, phòng Giáo dục và Đào tạo.